Tin tức nông nghiệp

Nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tụt dốc không phanh trong năm 2017

Năm 2017, một năm lao đao của người dân trồng tiêu khi giá hồ tiêu xuống thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra 3 nguyên nhân chủ yếu khiến giá hồ tiêu nước ta giảm mạnh trong thời gian qua chủ yếu là: Sản lượng hồ tiêu trong nước tăng cao, chuỗi sản xuất hồ tiêu sạch còn nhiều khó khăn, thị trường thế giới tác động mạnh tới thị trường hồ tiêu Việt Nam.

Sản lượng hồ tiêu năm 2017 cả nước ước đạt hơn 218.000 tấn, cao nhất tròn vài năm trở lại đây. Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 183.000 tấn, tăng 24% so với năm 2016, tuy nhiên giá trị hồ tiêu lại giảm mạnh. Sản lượng tăng cao, khâu quản lý còn nhiều bất cập đã khiến tình hình sản xuất hồ tiêu nước ta mất cân bằng.

Sản lượng tăng cao trong khi giá hồ tiêu giảm mạnh khiến người trồng tiêu thua lỗ, nhiều nhà nông đã tiên hành phá bỏ vườn hồ tiêu để chuyển qua các loại cây trồng khác. Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia, nhà nông không nên phá vườn hồ tiêu, vì giá hồ tiêu có thể sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Nguyên nhân khiến sản lượng hồ tiêu trong năm 2017 tăng cao là do hồ tiêu là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì thế trong nhiều năm trở lại đây nhà vườn ồ ạt trồng tiêu khiến diện tích trồng hồ tiêu tăng cao đột biến đặc biệt trong năm 2016.

Hồ tiêu Việt Nam có diện tích canh tác lớn, sản lượng lớn tuy nhiên  chất lượng chưa cao, thiếu các tiêu chuẩn và thương hiệu cho hồ tiêu việt.

Sản lượng hồ tiêu lớn, lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta chiếm hơn 41% sản lượng hồ tiêu trên thế giới, tuy nhiên chất lượng hồ tiêu Việt Nam lại không được thị trường đánh giá cao.

Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là vùng trồng tiêu chủ yếu của nước ta, tuy nhiên hồ tiêu ở đây chưa đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, do tồn dư thuốc BVTV, hóa chất. Vì thế giá hồ tiêu hiện tại chỉ dừng lại ở mức 80.500 -81.000 đồng/kg, thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Hồ tiêu Việt Nam đã có mặt trên thị trường thế giới từ rất lâu, tuy nhiên sau nhiều năm phát triển, hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Hồ tiêu xuất khẩu chủ yếu thông qua các thương lái nhỏ lẻ, nên chưa phát huy được tiềm năng của hồ tiêu Việt Nam.

Canh tác thiếu quy hoạch, khâu bảo quản, chế biến không được chú trọng, canh tác sử dụng thuốc BVTV các loại phân bón tràn lan thiếu sự kiểm soát đã khiến cho tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu ngày càng tăng cao. Thêm vào đó, hiện nay nước ta chưa có quy định hay tiêu chuẩn cụ thể nào về nông sản sảnh, nông sản hữu cơ, nên người dân đang canh tác “cầu may”, theo phong trào là chủ yếu.

Vì thế vấn đề quan trọng lúc này là cần có một bộ quy định, quy chuẩn về chất lượng nông sản, liên kết các vùng sản xuất để từ đó tăng chất lượng hồ tiêu đẩy nhanh quá trình xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt nam, nâng cao giá trị của hồ tiêu.

Thị trường hồ tiêu thế giới đang trầm xuống, đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường hồ tiêu Việt Nam.  Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay sản lượng hồ tiêu ở các nước: Srilanka, Indonesia, Ấn Độ đang khá dồi dào và giá hồ tiêu tại các thị trường này đang có xu hướng giảm và chưa thấy khả năng dừng lại.

Tại thị trường Ấn Độ giá hồ tiêu giảm 1.100 Rs/tạ xuống còn 43.500 Rs/tạ đối với tiêu xô. Giá xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ giảm 200 USD/tấn xuống mức 7.300 USD/tấn.

Nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tại Ấn Độ giảm mạnh là do tiêu nhập khẩu từ Sri Lanka đang tràn ngập thị trường, tại các trung tâm tiêu thụ hạt tiêu ở Ấn Độ đều tràn ngập hạt tiêu nhập khẩu từ Sri Lanka, đã đẩy giá tiêu Ấn Độ sụt giảm liên tục.

Một tin vui cho hàng nông sản Việt khi vừa qua một số hàng nông sản của nước ta đạt tiêu chuẩn suất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới trong đó có mặt hàng hồ tiêu. Một số thị trường khó tính: CH Séc, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất quan tâm đến thị trường hồ tiêu Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để thị trường hồ tiêu Việt Nam mở rộng sang các nước Châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi nân tầm giá trị hồ tiêu Việt Nam.
 

Back-top-top