Trong phần 1 chúng tôi đã chia sẻ với bà con về một số sâu bệnh hại trên cây chanh dây, trong phần này chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh dây sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
8.Đất trồng, nước tưới.
Chanh dây phù hợp với nhiều loại đất trồng , ở mọi địa hình. Đất trồng chanh dây cần phải được làm sạch cỏ, cào bằng. Cần làm các rãnh thoát nước để hạn chế tình trạng đất bị rửa trôi, xói mòn. Khi trồng bà con đào hố có kích thước 60 - 60 - 60cm hoặc 50 - 50 - 50cm.
Nếu bà con trồng trên nền đất cũ đã canh tác các loại cây khác: hồ tiêu, cà phê… thì cần phải cày xới đất kỹ, nên canh tác 2 - 3 vụ rau màu trước khi chuyển qua trồng chanh để hạn chế tuyến trùng ở trong đất.
Cây chanh dây phát triển tốt ở những nơi có độ ẩm cao, chính vì thế bà con cần phải cung cấp đủ độ ẩm cho cây đặc biệt là trong giai đoạn làm trái và phát triển trái.
9.Chọn giống
Hiện nay có rất nhiều giống chanh dây khác nhau, nhưng phổ biến và được nhiều nhà vườn sử dụng nhất là giống chanh dây vàng và chanh dây tím.
Bà con có thể trồng chanh giây bằng hạt giống hoặc bằng bầu ươm. Nếu bà con trồng bằng hạt giống thì cần chọn quả giống là những quả già, vỏ nhăn nheo, trái giống không bị bệnh. Còn nếu trồng bằng bầu ươm thì cần chọn giống có chiều cao khoảng 10 - 12cm, khỏe sạch sâu bệnh, lá xanh tươi.
10.Làm giàn
Bà con có thể làm giàn co chanh dây theo nhiều kiểu khác nhau: giàn truyền thống, giàn chữ T, A, giàn thẳng đứng…
Bà con có thể làm giàn cao khoảng 2m, sử dụng trụ tre, gỗ hoặc bê tông… dùng dây kẽm để làm giàn leo cho cây. Tùy theo địa hình, điều kiện kinh tế mà bà con chọn kiểu giàn phù hợp.
11.Kỹ thuật trồng chanh dây
Chanh dây có thể trồng quanh năm nhưng để chanh phát triển thuận lợi nhất thì bà con nên trồng vào thời điểm đầu mùa mưa.
Khi trồng bà con lưu ý sử dụng dao, kéo để nhẹ nhàng cắt bỏ phần bao nilon tránh làm bể bầu. Ở hố trồng bà con tạo một lỗ ở chính giữa hố rồi đặt bầu ươm vào, bà con nên đặt bầu bằng hoặc cao hơn mặt đất một chút rồi lấp đất, nén nhẹ đất xung quanh, không nên nén quá chặt.
Sau khi trồng bà con cần tưới nước ngay để cây không bị hở rễ và không bị héo. Nếu trồng vào những ngày nắng thì bà con cần phải che nắng cho cây, cây con mới trồng đang yếu nên khi tiếp xúc với ánh nắng cường độ mạnh rất dễ bị chết, héo.
12.Cắt tỉa cành, tạo tán
Việc tỉa cành tạo tán là rất quan trọng giúp cây chanh giây phát triển cân đối và cho năng suất cao.Tỉa cành sẽ tạo ra các cành thứ cấp, giúp cành phân bố đều trên giàn, loại bỏ các cành bị sâu bệnh, vào mùa mưa sẽ hạn chế sâu bệnh hại phát triển. Đặc biệt việc tỉa cành tạo tán sẽ giúp cây ra nhiều nụ, tỉ lệ đậu trái cao.
Sau mỗi đợt tỉa cành bà con cần phải bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho đất cung cấp cho cây trồng sinh trưởng phát triển.
13.Bón phân
Kỹ thuật bón phân đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định khả năng phát triển, năng suất, chất lượng của trái chanh dây. Để cây chanh dây phát triển ổn định và cho năng suất cao bà con nên sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh để bón cho cây.
Bà con có thể chia thành các lần bón:
-
Bón lót cải tạo đất: Khi đào hố bà con có thể bón 2kg phân hữu cơ vi sinh /gốc, tưới giữ ẩm, sau 20 ngày mới xuống giống.
-
Thời kỳ cây có 3 lá đọt: Thời điểm này bà con bổ sung thêm 0,2 - 0,3kg phân hữu cơ vi sinh/gốc giúp cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.
-
Khi cây chanh dây phát triển lên đầu giàn bà con tiếp tục bổ sung 0,4 - 0,5kg phân bón hữu cơ /gốc.
-
Thời kỳ kinh doanh: Khi chanh dây bước vào thời kỳ kinh doanh cây cần nhiều chất dinh dưỡng để nuôi dây, cây sung mãn mới cho nhiều hoa, quả. Thời kì này bà con bón 3 - 5kg phân bón hữu cơ vi sinh /gốc/tháng.
Lưu ý:Bà con cần phải tưới nước đẫm ngay sau khi bón phân và giữ ẩm.
-
Thông thường chanh dây có thể cho thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất sau khi thu hoạch, bà con nên cho cây nghỉ từ 4-5 tháng. Đây là thời điểm để cây phục hồi sức để đảm bảo năng suất cho vụ tiếp theo, không nên ép cây, như thế cây sẽ kém phát triển chất lượng trái thấp, năng suất thấp
14.Thu hoạch, bảo quản
Sau 5 - 6 tháng sau khi trồng chanh dây sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Khi trái chanh dây bắt đầu chuyển qua màu tím là bắt đầu thu hoạch được. Bà con nên thu hoạch đồng loạt những trái chín và gần chín. Khi thu hoạch cần tránh làm xước vỏ quả khiến quả dễ bị hỏng.
Để cây chanh dây phát triển ổn định cân đối, sạch sâu bệnh bà con cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp khác nhau. Bà con nên sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ hạn, các phương pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để giúp nâng cao chất lượng, giá trị chanh dây.