Kiến thức nông nghiệp

KỸ THUẬT TRỒNG CÂY NGẢI CỨU


KỸ THUẬT TRỒNG CÂY NGẢI CỨU

     Kỹ thuật trồng luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng. Ngải cứu cũng vậy, nó là một loại cây dược liệu thường mọc hoang dại trong tự nhiên, và ngoài công dụng để làm thuốc ra thì còn được dùng để chế biến các món ăn, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc trồng ngải cứu vẫn chỉ ở mức nhỏ lẻ, “trồng vài cây để có mà xài”, nhưng để phát triển thành sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế thì cần phải có kỹ thuật trồng tốt hơn.

1. Làm đất

     Đất được dọn sạch cỏ, cày cho tơi xốp và lên luống, tạo rãnh giữa các luống để di chuyển và thoát nước.
     Luống rộng từ 1 – 1,2 m, chiều dài từ 2,5 – 3 m có thể tùy ý thiết kế luống trồng sao cho phù hợp với khuôn viên đất trồng của bạn, sao cho tiện cho việc chăm sóc cũng như thu hoạch, chiều cao luống từ 15 – 20 cm.
     Luống trồng có thể làm theo kiểu máng để có thể giữ nước khi tưới, giúp tiết kiệm nước và giúp giữ ẩm đất, tránh rửa trôi phân bón. Trước khi trồng nên tưới cho đất thật ẩm.

2. Chọn giống

     Bạn có thể trồng ngài cứu bằng cách gieo hạt hặc cắm cành. Tuy nhiên thông thường thì việc tròng ngài cứu bằng cách cắm cành sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.  Cây được chọn làm giống phải khỏe, sạch bệnh, không quá non vì sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. Chọn những thân ngầm, những thân cây đã già để trồng thì cây sẽ nhanh sinh trưởng và phát triển.

chọn giống cây ngải cứu

Chọn giống, một trong những bước quan trọng trong kỹ thuật trồng cây ngải cứu

3. Trồng và Chăm sóc

*Trồng

     Khi đã chọn được giống thì cắt thành từng đoạn dài từ 7 – 10 cm. Cắm xuống đất sâu từ 3 – 5 cm. Cần cắt tỉa bớt phần lá để giảm thoát hơi nước và kích cho cây nhanh ra lá mới, nhưng không được cắt hết tất cả các lá vì như vậy cây không thể quang hợp được và sẽ chết.
     Mật độ trồng: khoảng cách hàng là 25 cm và khoảng cách cây là 10 cm sẽ phù hợp hơn, không nên trồng dày hơn vì sẽ dễ tạo môi trường cho sâu bệnh phát sinh, hoặc nếu trồng thưa hơn thì sẽ không tận dụng được tôi đa diện tích mà chúng ta có.
          Sau khi trồng thì nên phủ một lớp cỏ khô hay rơm và tưới nước ngay để cây được giữ ẩm, nên trồng vào buổi chiều để cây không bị mất nước nhiều.
trồng cây ngải cứu

Tiến hành trồng cây ngải cứu theo đúng mật độ tiêu chuẩn

* Bón phân:

Tùy vào từng loại đất mà chúng ta điều chỉnh lượng phân bón.

          - Bón lót: Nên sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh để bón lót. Bà con có thể bón 0,5 – 0,6 kg/m2, rải đều phân và cào bằng mặt luống, tưới nước để phân bón nhanh tan vào đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp.
          - Bón thúc: Vào các thời điểm sau khi trồng từ 10 – 15 ngày. Bà con bón 20 – 30 g/m2, sau khi thu hoạch từ 7 – 10 ngày với lượng phân tương tự. Lượng phân bón thì nên điều chỉnh dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất phân bón khuyến cáo.
* Tưới nước:

     Cây ngải cứu ưa ẩm nên cần đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cho cây để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Nhất là giai đoạn cây con, vừa mới trồng nếu thiếu nước cây sẽ chậm lớn và yếu ớt.
     Có thể tưới phun mưa hay tưới bằng vòi xịt đều được. Nên tưới đẫm 1 – 2 lần/ngày.

* Phòng trừ sâu bệnh hại:

     Bản thân cây ngải cứu là cây dược liệu mọc hoang dại nên rất ít bị các loài côn trùng hay sâu hại tấn công và cũng rất ít bệnh hại. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số loài gây hại như rệp mềm, sâu khoang, châu chấu… nên dùng các biện pháp thủ công như bắt bằng tay, dùng bẫy côn trùng để phòng ngừa và tiêu diệt nếu có.
     Thực tế, khi không sử dụng các chất hóa học trong canh tác thì chúng ta sẽ cân bằng được sinh thái tự nhiên, và sẽ có những loài côn trùng, loài vật có lợi cho cây, chúng ức chế và tiêu diệt các loài gây hại. VD như ong ruồi bắt sâu, bắt các ấu trùng sâu, hay các ấu trùng bọ rùa sẽ ăn rệp sáp, rệp vừng,…

* Làm cỏ

     Ở công đoạn làm đất nếu xử lý tốt thì cỏ sẽ bị hạn chế. Nếu không thì ở giai đoạn mới trồng, do các tán cây chưa giao với nhau, tạo các khoảng trống để cỏ dại phát triển. Nên dùng các biện pháp thủ công để dọn cỏ như nhổ bằng tay hoặc dùng các dụng cụ chuyên để làm cỏ. Khi cây đã giao tán thì cỏ dại sẽ không còn mọc nhiều nữa.

làm cỏ cây ngải cứu

Làm sạch cỏ giúp cây ngải cứu phát triển tốt, cho năng suất cao hơn

4. Thu hoạch

     Khi thu hoạch thì dùng dao hoặc kéo cắt ngang cây, chừa gốc khoảng từ 10 – 15 cm.         
     Nếu trồng với mục đích để làm rau, chế biến món ăn thì có thể thu hoạch sau 30 – 40 ngày, lúc cây chưa ra hoa. Nếu trồng để làm cây dược liệu thì thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn, khi cây đã ra hoa và bắt đầu nở một ít là có thể thu, vì lúc này cây mới tích lũy đủ chất khô và có dược tính cao nhất.

5. Thu hoạch đợt tái sinh

     Sau khi thu hoạch lần thứ nhất, các gốc cây vẫn có thể tiếp tục ra chồi và phát triển. Chúng ta vẫn tiếp tục chăm sóc và tưới nước đầy đủ cho cây để thu lần hai.
     Từ 7 – 10 ngày sau thu, khi thấy cây bắt đầu nảy chồi thì nên tỉa bớt các cành nhỏ chỉ nên để lại các cành lớn, khoẻ mạnh ( khoảng 2 – 3 cành/gốc) để cây dễ tập trung dinh dưỡng, và cũng góp phần hạn chế được sâu bệnh. Sau khi cắt tỉa thì bón thúc phân với lượng phân như lần bón thúc trước đó. Theo dõi sâu bệnh và dùng các biện pháp thủ công để phòng ngừa.
     Thời gian thu hoạch đợt tái sinh sẽ sớm hơn so với đợt thứ nhất, khoảng 30 – 35 ngày nếu thu để chế biến món ăn, và nếu thu để làm dược liệu cũng sẽ dựa vào đặc điểm của hoa trước khi thu giống như lần trước.
     Cây ngải cứu có thể trồng quanh năm và thu nhiều lần, nhưng trong canh tác để kinh doanh thì nên thu từ 2 – 3 đợt, sau đó trồng mới lại để có thể đảm bảo năng suất và chất lượng luôn đạt cao nhất. Nên luân canh cây ngải cứu với những cây khác họ để không tạo môi trường quen thuộc dễ gây phát sinh những loài gây hại trên cùng phổ ký chủ.
     Cây ngải cứu có thể trồng dễ dàng, nhưng khi trồng với diện rộng và canh tác để kinh doanh thì cần những kỹ thuật trồng và chăm sóc một cách phù hợp. Nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây ngải cứu 1 cách chắc chắn sẽ đóng vai trò then chốt cho một vụ mùa trồng ngải cứu đạt hiệu quả cao.
      

 Kỹ sư:Trần Lâm Bảo Ngọc

Back-top-top