I.Độ phì nhiêu của đất là gì?
Độ phì nhiêu là khả năng canh tác, sản xuất của đất, bao gồm các yếu tố, điều kiện như: cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu ở dưới dạng dễ hấp thu (dễ tiêu), nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, thoáng khí thuận lợi cho hoạt động của vi sinh vật và hô hấp của cây trồng, không chứa các độc tố, kim loại nặng, sạch cỏ dại, đất đai tơi xốp chô bộ rễ cây phát triển,…. đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, khỏe mạnh.
Trước khi nói đến ảnh hưởng của phân bón tới độ phì của đất, thì ta cần nắm rõ độ phì nhiêu của đất cần đáp ứng các chí tiêu nào?
-
Độ tơi xốp của đất (>50%) giúp đất thoáng khí, CO2, các dưỡng chất thấm vào đất nhanh và dễ dàng, thuận lợi cho sinh vật đất và cho rễ cây phát triển.
-
Đất giàu chất dinh dưỡng để cung cấp đủ các dưỡng chất đa, trung, vi lượng cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.
-
Đất giàu chất mùn và chất hữu cơ là tiêu chí quan trong nhất trong việc quyết đinh độ phì của đất để tạo độ tơi xốp cho đất, tăng tính đệm (là khả năng giảm độc, giảm độ kiềm, chua cho đất), tăng khả năng hấp thu của đất, hạn chế rửa trôi và thất thoát các chất dinh dưỡng, cung cấp nguồn thức ăn cho hệ sinh vật đất và cây trồng. Đất luôn tốt, giàu lên không bị nén hay bị thoái hóa.
-
Khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng của đất, đất giữ nước và các chất dinh dưỡng tốt, không bị thoát hơi nước quá nhanh, khả năng giữ nhiệt vào mùa lạnh và giảm nhiệt độ vào mùa nắng nóng.
-
Đất giàu hệ sinh vật có lợi trong đất và hệ sinh vật hoạt động mạnh, gồm các sinh vật cố định chất dinh dưỡng, phân giải các chất hữu cơ, phân giải các độc tố, nhóm sinh vật đối kháng và kí sinh.
Hằng năm, sau mỗi vụ thu hoạch cây trồng lấy từ đất một lượng lớn dưỡng chất, cùng với sự tác động của các yếu tố thời tiết (mưa, nắng nóng, gió,…) làm rửa trôi, xói mòn, bóc hơi các chất dinh dưỡng khiến đất đai bị suy kiệt, bạc màu giảm độ phì nhiêu mất dần đi khả năng canh tác. Vậy nên, ngoài áp dụng tốt những biện pháp kỹ thuật khác, việc bón phân cân đối hợp lý có ảnh hưởng rất nhiều đến đất đai, giúp đất đai không bị suy kiệt, đảm bảo vụ mùa sau đất đai vẫn có đủ khả năng để cung cấp dưỡng chất cho cây phát triển tươi tốt và cho năng suất cao.
II.Ảnh hưởng của phân bón đến đất đai
1.Phân bón với kết cấu đất
Các loại phân bón hữu cơ có ảnh hưởng lớn trong việc ổn định kết cấu đất từ đó ảnh hưởng đến nhiều tính chất vật lý của đất như tăng độ thông (thoáng) khí, tơi xốp, tăng khả năng giữ phân bón, giữ độ ẩm cho đất, ngoài ra phân hữu cơ còn làm thức ăn cho hệ sinh vật đất. Khuyến cáo bà con hạn chế sử dụng các loại phân hữu cơ truyền thống như phân chuồng tươi, chưa ủ hoai mục, phân xanh, phân rác vì các loại phân này, trong điều kiện ngập nước diễn ra sự phân hủy các chất hữu cơ tạo ra các chất acid hữu cơ gây ngộ độc hữu cơ hoặc gia tăng độ chua đất, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh gây hại.
Đối các loại phân bón vô cơ nếu sử dụng không hợp lý, bón thời gian dài thường làm đất đai nén chặt, chai cứng, kết cấu vững chắc, không tới xốp, tính thông khí kém, khả năng giữ phân, giữ ẩm kém, ức chế hoạt động hoặc tiêu diệt vi sinh vật đất.
2.Độ dày của tầng đất canh tác
Phân bón không ảnh hưởng nhiều đến độ dày của tầng đất, các kỹ thuật canh tác như làm đất cày bừa… thường có ảnh hưởng nhiều hơn.
3.Độ chua, độ kiềm của đất
Thường được thể hiện bằng độ pH của đất, độ pH được tính từ 1 đến 14, đất trung tính khi pH = 6-7, đất chua có độ pH < 6 độ pH càng nhỏ thì đất càng chua và pH > 7 là đất kiềm, độ pH càng lớn đất có độ kiềm càng lớn. Cây trồng thích hợp với pH = 6-6,5, quá kiềm hay quá chua đều không có lợi cho cây trồng. Tuy nhiên những chỉ số đó cũng chỉ là tương đối, vì có rất nhiều loại cây trồng, đặc điểm và yêu cầu về chất đất của mỗi loại cây trồng cũng rất khác nhau.
Các loại phân bón vô cơ (phân hóa học) chứa các gốc acid làm giảm độ pH đất, khiến đất bị chua thêm, các loại phân bón vô cơ có tính chất kiềm sinh lí đất sẽ bị kiềm hóa, đất bị phèn hóa khi bón các loại phân bón chưa gốc sunphat nên khi sử dụng phân bón nên chú ý sử dụng các loại phân không hoặc ít gây chua, kiềm, phèn cho đất, nên tăng cường bón các loại phân hữu cơ sẽ góp phần vào việc cải tạo và ổn đinh độ pH đất.
4.Lượng dưỡng chất trong đất
Được thể hiện bằng khả năng cung cấp các dưỡng chất cho cây trồng, đối với đất giàu dinh dưỡng sẽ cho năng suất cây trồng và chất lượng nông sản cao, còn đất nghèo sẽ có tác dụng ngược lại.
Dựa vào khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng (đa, trung, vi lượng) cho cây trồng (dưới dạng dễ hấp thu) mà xếp đất thành các loại: đất rất giàu, đất giàu, đất trung bình, đất nghèo và đất rất nghèo. Nên dựa vào đó để sử dụng phân bón cho hợp lý, cân đối, đất giàu thì giảm lượng phân bón, còn đối với đất nghèo thì tăng lượng phân bón lên, đất càng nghèo thì lượng phân bón càng nhiều.
Các loại phân bón hữu cơ khi bón vào đất sẽ cung cấp, bổ sung đủ các dinh dưỡng khoáng đa, trung, vi lượng cho cây trồng và đất đai làm tăng hàm lượng các dưỡng chất trong đất, tạo một lượng chất dinh dưỡng dự trữ cho cây trồng sử dụng từ từ vừa chống suy kiệt đất. Còn các loại phân bón vô cơ thường chỉ cung cấp các chất đa lượng, có khả năng làm suy kiệt nguồn vi lượng trong đất, làm tích lũy một số kim loại nặng gây độc cho cây, thường dễ bị rửa trôi gây thất thoát.
5.Chất hữu cơ, chất mùn trong đất
Có ảnh hưởng đến lượng dưỡng chất, khả năng giữ phân, giữ nước của đất và hoạt động của hệ vi sinh vật đất. đối với đất giàu mùn và chất hữu cơ thì khả năng giữ và hút các dưỡng chất tốt hơn. Các chân đất có hạt mịn nhiều như đất thịt nặng, sét khả năng giữ các chất dinh dưỡng cao hơn, khả năng giữ các chất dinh dưỡng thường kém hơn đối với các chân đất như đất cát, đất cát pha, thịt nhẹ. Bón các loại phân bón hữu cơ sẽ giúp bổ sung gia tăng lượng chất hữu cơ, chất mùn trong đất, tăng khả năng hấp thu và giữ các chất dinh dưỡng của đất. Đối với các loại phân hóa học (phân vô cơ) nhiều sẽ làm giảm hoặc suy kiệt các chất mùn, chất hữu cơ có trong đất.
6.Hệ sinh vật đất
Đất không chỉ là môi trường cho rễ cây phát triển và cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây mà nó còn chứa các sinh vật sống, khi những sinh vật này ngừng hoạt động thì đất biến thành đất chết, cây trồng mất khả năng phát triển.
Trong hệ sinh vật đó chiếm tỉ lệ nhiều nhất là vi sinh vật đất, ngoài ra còn các sinh vật khác như giun đất, tuyến trùng,… Các sinh vật trong đất gồm cả sinh vật có ích và cả sinh vật có hại cho cây.
Các loại sinh vật có lợi như các loại vi khuẩn cố định đạm, phân hủy các chất, nấm đối kháng, nhóm vi sinh vật ký sinh, giun đất,…. Các sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, phân vi sinh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động, cung cấp và bổ sung các vi sinh vật có ích cho đất, làm tăng các quá trình mùn hóa, khoáng hóa,... Các loại phân bón vô cơ nếu bón trong thời gian kéo dài, bón không hợp lý sẽ làm ức chế hoạt động, hoặc tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong đất.
Nhóm các sinh vật có hại như tuyến trùng, các loại nấm bệnh (Phytopthora, Rhizoctonia, Fusarium,…) phân chuồng tươi, phân chưa ủ hoai mục có nguy cơ mang lại một số mầm bệnh vào đất gây hại cho cây. Sự hoạt động của các sinh vật đất có vai trò hàng đầu trong việc quyết định sức khỏe và độ phì của đất.
III.Một số giải pháp làm tăng độ phì nhiêu của đất
Sử dụng phân bón đầy đủ, cân đối và hợp lý. Tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, càng nhiều càng tốt, phân bón hữu cơ có tác dụng tốt trong việc cải tạo đất, nâng cao độ phì, ổn định pH, giảm độ chua đất, các loại phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh còn bổ sung các vi sinh vật có lợi cho đất. Hạn chế bón phân vô vơ, phân hóa học.
Trồng cây che bóng, cây đai rừng để chống xói mòn rửa trôi chất dinh dưỡng và phân bón.
Luân canh, xen canh hợp lý, nên trồng những cây họ đậu có tác dụng cải tạo đất rất tốt. trồng lạc dại để phủ đất vừa có tác dụng cải tạo đất vừa có tác dụng che phủ hạn chế xói mòn và rửa trôi chất dinh dưỡng.
Hạn chế tối đa việc phun xít các loại thuốc BVTV, các chất độc hại.
KS nông nghiệp: Lê Hữu Trà